Những “cú hích” trong phát triển NTTS VN dưới cái nhìn của một người trong cuộc-Phần 2

logo
EN

Những “cú hích” trong phát triển NTTS VN dưới cái nhìn của một người trong cuộc-Phần 2
Ngày đăng: 15/04/2021 6127 Lượt xem

    ao nuôi tôm

    Sau khi được cấp phép nuôi vào năm 2008, tôm chân trắng nhanh chóng vực dậy nghề nuôi tôm nước lợ.

    Tôm sú và tôm chân trắng

    Nuôi tôm nước lợ ban đầu là các hệ thống nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn vào thập niên 1970s với con giống tự nhiên là tôm bạc thẻ/tôm chuối (Penaeus (Fenneropenaeus) merguiensis), tôm thẻ Ấn Độ (P. (Fenneropenaeus) indicus), tôm bạc đất/tôm rảo (Metapenaeus ensis),... Trước năm 1975, khách du lịch đến Vũng Tàu có thể thấy những “đầm” (còn gọi là “đùn”) nuôi tôm quảng canh ở vùng Phước Cơ, được cho là của bà Trần Lệ Xuân.

    Đầu thập niên 1980s, nhiều nông trường “nuôi tôm” quốc doanh được thành lập, đặc biệt ở huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian này, để gia tăng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, Tổng công ty SEAPRODEX thành lập Xí nghiệp NTTS Phước Cơ với nhiệm vụ nuôi tôm theo mô hình quảng canh. Do nguồn giống tự nhiên ngày càng giảm sút, xí nghiệp đã mời 1 chuyên gia người Nhật sang chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo tôm bạc thẻ với kỹ thuật “cắt mắt” để kích thích sự thành thục sinh dục của tôm mẹ. Với việc bổ sung con giống tôm bạc thẻ nhân tạo, nuôi tôm ở nước ta đã được nâng lên thành trình độ “quảng canh cải tiến”. Tuy nhiên, việc nuôi tôm bạc thẻ với con giống nhân tạo gặp một trở ngại là khi tôm đạt kích cỡ 11-12 g/con thì ngừng sinh trưởng (trong khi tôm tự nhiên có thể đạt >20 g/con) và hao hụt dần. 

    tôm thẻ

    Với việc bổ sung con giống tôm bạc thẻ nhân tạo, nuôi tôm ở nước ta đã được “nâng cấp” dần. 

    Các nước có nuôi tôm biển ở Châu Á như Thái Lan, Philippines,… cũng gặp trở ngại này và đã chuyển sang nuôi một đối tượng mới là tôm sú (Penaeus monodon). Một sự may mắn là ở Việt Nam, tôm sú bố mẹ cũng được tìm thấy ở các vùng biển miền Trung. Năm 1985, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Biển Nha Trang (tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay) đã thành công trong sản xuất giống nhân tạo tôm sú với kỹ thuật cắt mắt tôm mẹ từ tôm bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên. Công nghệ sản xuất giống tôm sú được lan truyền và thúc đẩy sự thành lập nhiều trại giống tôm sú tư nhân ở miền Trung. Con giống tôm sú nhân tạo cũng đã thúc đẩy sự phát triển các hệ thống nuôi tôm nước lợ “quảng canh cải tiến” vào những năm đầu của thập niên 1990s. Với việc “copy” guồng quạt nước – thông qua các tham quan học tập (study tour), và sử dụng thức ăn viên nhập từ Thái Lan, nuôi tôm sú đã phát triển lên các trình độ bán thâm canh và thâm canh từ giữa thập niên 1990s. 

    Từ giữa thập niên 1990s, nuôi tôm sú đã phát triển lên các trình độ bán thâm canh và thâm canh. 

    Từ năm 1994, nuôi tôm nước lợ ở nước ta bắt đầu đối diện với dịch bệnh đốm trắng (white spot disease, WSD) với mức độ thiệt hại ngày càng tăng. Nghề nuôi tôm của Thái Lan, “đối thủ” cạnh tranh của Việt Nam về nuôi và xuất khẩu tôm sú, cũng chịu thiệt hại nặng nề do bệnh gây ra bởi vi-rút như đốm trắng (white spot syndrome virus, WSSV) và đầu vàng (yellow head virus, YHV). Từ năm 1998, nuôi tôm ở Thái Lan đã chuyển dần sang đối tượng tôm chân trắng (Penaeus (Litopenaeus) vannamei) sử dụng con giống không mang hay kháng mầm bệnh chuyên biệt (specific pathogen free, SPF hay specific pathogen resistant, SPR). Nuôi tôm chân trắng đã giúp Thái Lan dần khôi phục và gia tăng sản lượng tôm nuôi sau đó. Tôm chân trắng đã được Công ty Duyên Hải Bạc Liêu nhập và nuôi thử nghiệm vào giữa thập niên 1990s. Tuy nhiên, do lo sợ tôm chân trắng có thể mang mầm bệnh Taura (Taura syndrome virus, TVS) - gây bệnh phổ biến trên tôm chân trắng được nuôi ở nhiều nước Nam Mỹ, lây cho tôm sú nên đối tượng này bị cấm nhập và nuôi ở Việt Nam. Đầu thập niên 2000s, khi nghề nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng nề và liên tục do bệnh đốm trắng, tôm chân trắng mới được phép nuôi thử nghiệm ở miền Trung. Sau đó, đối tượng này được phép nuôi trong cả nước vào năm 2008. Nuôi tôm chân trắng đã nhanh chóng “hồi phục” nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam. Trong hơn 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu của tôm chân trắng đã dần vượt xa tôm sú.

    Tôm càng xanh

    Nuôi tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) trong mương vườn với con giống tự nhiên cũng là hoạt động thủy sản lâu đời của người dân vùng ĐBSCL. Việt Nam là nước có sản lượng khai thác tôm càng xanh tự nhiên cao nhất ở Đông Nam Á. Trước năm 1980, sản lượng tôm càng xanh khai thác tự nhiên của Việt Nam khoảng 7.000-11.000 T/năm, Campuchia 100-200 T/năm, Malaysia 120 T/năm, Thái Lan 400-500 T/năm. Có lẽ do có tiềm năng nuôi tôm càng xanh lớn nên một Hội nghị quốc tế về Nuôi tôm càng xanh (International Conference on Prawn Farming) do Ủy ban Kinh tế và Xã hội cho Châu Á và Thái Bình Dương – Liên Hiệp Quốc (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, ESCAP - UN) tài trợ được tổ chức tại Vũng Tàu từ ngày 31/3 đến 4/4/1975 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Do nguồn lợi tôm càng xanh bị giảm sút nhanh chóng nên những nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo đã bắt đầu từ những năm 1976-1977. Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 1990s, Trung tâm sản xuất tôm Vũng Tàu (cơ sở được tài trợ của chính phủ Úc, tiền thân của Trung tâm quốc gia giống hải sản Nam bộ - Viện 2) mới cho ra những con giống tôm càng xanh nhân tạo đầu tiên với qui trình ương ấu trùng trong môi trường nước trong (kín và hở). Qui trình này khó áp dụng ở những trại giống nhỏ/gia đình. Đầu thập niên 2000s, KTS-ĐHCT đã nghiên cứu thành công qui trình ương ấu trùng tôm càng xanh trong môi trường nước xanh hở - cải tiến. Qui trình đã được áp dụng bởi nhiều trại giống và từ đó thúc đẩy sự phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở ĐBSCL.

    Nuôi tôm càng xanh trong mương vườn với con giống tự nhiên cũng là hoạt động thủy sản lâu đời của người dân vùng ĐBSCL.

    Trong tự nhiên, tôm càng xanh đực thường có tốc độ sinh trưởng và kích thước lớn hơn tôm cái. Tốc độ sinh trưởng tôm càng xanh bị cái chậm lại do các hoạt động sinh sản và ấp trứng diễn ra liên tục sau khi thành thục sinh dục lần đầu. Trong điều kiện nuôi tôm càng đực (chiếm khoảng 40% số lượng cá thể của đàn tôm) có hiện tượng “phân cỡ” gồm 3 dạng trưởng thành: Càng xanh (kích thước càng lớn nhất và tăng trưởng tương đối chậm, tỉ lệ khoảng 10-20% số lượng tôm đực), càng cam/lửa (kích thước càng nhỏ hơn và tăng trưởng nhanh, tỉ lệ khoảng 34-47%) và tôm nhỏ (kích thước càng rất nhỏ và tăng trưởng chậm, tỉ lệ khoảng 33-57%). Các tôm đực sẽ trải qua một loạt thay đồi về hình thái từ tôm nhỏ đến tôm càng cam và tôm càng xanh. Vì vậy, trong nuôi tôm càng xanh, người nuôi phải thường xuyên tiến hành thu tỉa tôm càng cam và tôm càng xanh lớn để tôm nhỏ phát triển. Hoạt động này tốn thời gian và lao động. Vào đầu thập niên 1990s, Tiến sĩ Amir Sagi – giáo sư của ĐH Ben-Gurion (the Negev, Israel) đã phát triển thành công kỹ thuật vi phẫu để loại bỏ tuyến phát sinh tính đực (androgenic gland) trên tôm càng xanh đực để cho ra ‘con cái mới’ (neo-female) có nhiễm sắc thể giới tính là ZZ (con cái bình thường có nhiễm sắc thể giới tính là WZ). Con cái mới khi được cho sinh sản với con đực sẽ cho ra đàn tôm càng xanh toàn đực giới tính (ZZ). Kỹ thuật vi phẫu để loại bỏ tuyến phát sinh tính đực sau đó được chuyển giao cho Viện 2 vào năm 2004, và từ đây kỹ thuật này được chuyển giao cho các địa phương. Mặc dầu kỹ thuật vi phẫu có nhiều hạn chế so với kỹ thuật ngày nay là “vô hiệu hóa gen (gene silencing) điều khiển tuyến IAG (insulin-like androgenic gland)” bằng phương pháp “RNA can thiệp” (RNA interference, RNAi) để tạo con cái mới, việc sản xuất giống toàn đực ngày ấy đã thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi tôm càng xanh trong ao, ruộng lúa vùng ngập lũ ở nhiều địa phương ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp,… cho đến hôm nay.

    Kết luận

    Mặc dầu đã có nhiều bài viết giới thiệu về các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong quá trình phát triển của NTTS Việt Nam, bài viết này chỉ nhằm tổng hợp và cung cấp thêm thông tin về những giải pháp kỹ thuật đã có tác động thúc đẩy sự phát triển đó với những đối tượng nuôi quan trọng ở những thời điểm khác nhau. Rất tiếc do thiếu tư liệu nên bài viết này đã không thể đề cập đến những “cú hích” như di nhập và cho sinh sản cá chép Trung Quốc [mè trắng (H. molitrix), mè hoa (H. nobilis) và trắm cỏ (C. idella)], di nhập cá chép (C. carpio) Hungary và sản xuất cá chép lai V1, cá cảnh,… NTTS nước ta có được vị thế như ngày hôm nay là do sự đóng góp của rất nhiều người ở các vị trí công tác và hoạt động khác nhau; trong đó có những đóng góp đã được vinh danh nhưng cũng còn nhiều đóng góp mãi mãi vẫn là “thầm lặng”. Đối với tác giả, tất cả những đóng góp đó, dù lớn hay nhỏ, đều đáng trân trọng như nhau nên bài viết đã không nêu tên cụ thể một cá nhân nào. Một số thông tin trong bài viết này có thể chưa thật chính xác, rất mong nhận được sự bổ sung và góp ý của các chuyên gia trong ngành.

    Nguồn Tép Bạc

    Chia sẻ:
    Tin liên quan
    Cảnh giác với SHIV - bệnh mới trên tôm

    Cảnh giác với SHIV - bệnh mới trên tôm

    Loài virus mới có tên viết tắt là SHIV (Shirmp hemocyte iridescent virus), còn được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1), thuộc họ Iridoviridae. Virus này gây ra bệnh nguy hiểm với tỷ lệ chết cao cho tôm thẻ chân trắng, được phát hiện đầu tiên ở Chiết Giang, Trung Quốc từ năm 2014. Những năm trở lại đây bệnh xuất hiện và gây thiệt hại cho tôm nuôi ở Trung Quốc. Cho đến nay, nhiều loài tôm mới cũng đã được phát hiện mang mầm bệnh như tôm bạc, tôm càng xanh…
    12/06/2020
    Ngừng ăn cá Vẹt!

    Ngừng ăn cá Vẹt!

    Mỗi con cá vẹt trưởng thành trung bình một năm thải ra 320 kg cát mịn. Chúng ta còn rất nhiều thứ để ăn, hãy ngừng ăn cá Vẹt!
    10/06/2020
    Sử dụng đúng cách men vi sinh khi nuôi thủy sản

    Sử dụng đúng cách men vi sinh khi nuôi thủy sản

    Sử dụng chế phẩm sinh học là hướng đi hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận kinh tế khi nuôi thủy sản.
    03/06/2020
    Dịch chiết quế và gừng trị rô phi bị mắt lồi, xuất huyết

    Dịch chiết quế và gừng trị rô phi bị mắt lồi, xuất huyết

    Trên cá rô phi, bệnh lồi mắt, xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa và các tháng giao mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, với tỷ lệ chết cao (gần như 100% từ khi phát hiện bệnh), gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi, bệnh này được xác định do vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây ra.
    03/06/2020
    Bài toán vực dậy ngành hàng cá tra

    Bài toán vực dậy ngành hàng cá tra

    Mặc dù là đối tượng chủ lực của ngành thủy sản, thế nhưng nhưng xu hướng cá tra hiện đang trượt về giá trị, hẹp về thị trường. Để vực dậy ngành hàng này, hơn khi nào hết, cần sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp cùng các chính sách từ thị trường.
    27/05/2020
    Nuôi tôm 3 giai đoạn, xu thế tất yếu

    Nuôi tôm 3 giai đoạn, xu thế tất yếu

    Nếu giá thành nuôi trực tiếp là 85.000 – 90.000đ/kg thì nuôi 3 giai đoạn chỉ nằm ở mức 70.000đ/kg, giảm chi phí và an toàn hơn nhiều so với nuôi truyền thống.
    05/05/2020
    Indonesia khôi phục 300.000ha trại nuôi tôm bỏ hoang

    Indonesia khôi phục 300.000ha trại nuôi tôm bỏ hoang

    Indonesia lên kế hoạch hồi phục 300.000 hecta trại nuôi tôm bỏ trống ở Kuta để thúc đẩy ngành thủy sản một lần nữa trở lại đỉnh cao, tiến đến vị trí hàng đầu thế giới.
    28/04/2020
    Một số khuyến cáo khi nuôi tôm thẻ thời điểm giao mùa

    Một số khuyến cáo khi nuôi tôm thẻ thời điểm giao mùa

    Lưu ý khi nuôi tôm trong thời điểm giao mùa, điều kiện môi trường biến động lớn. Để giảm thiểu rủi ro, gây thiệt hại cho người nuôi tôm, đặc biệt các ao đang nuôi tôm chuẩn bị thu hoạch, người nuôi cần chú ý:
    28/04/2020
    Men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

    Men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

    Sử dụng men vi sinh là một trong những phương pháp kiểm soát miễn dịch hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, được coi là chiến lược bổ sung, thay thế cho vắc-xin và hóa chất.
    28/04/2020
    Kịch bản nào cho giá tôm 2020?

    Kịch bản nào cho giá tôm 2020?

    Năm 2020, Covid-19 phát tán vô chừng, tạo nên những biến số biến động bất thường để hình thành các giá trị mới. Con tôm sẽ có giá nào có lẽ bị chi phối bởi yếu tố này mà ra.
    24/04/2020
    Streptomyces tăng khả năng sống sót của tôm nhiễm bệnh

    Streptomyces tăng khả năng sống sót của tôm nhiễm bệnh

    Kết quả khẳng định tiềm năng lớn của các chủng Streptomyces với vai trò là men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, cụ thể là đối với tôm thẻ.
    15/06/2020
    Lợi ích 'kép' từ mô hình vịt trên, cá dưới

    Lợi ích 'kép' từ mô hình vịt trên, cá dưới

    Mô hình nuôi vịt trên sàn kết hợp nuôi cá dưới ao ở tỉnh Tây Ninh khá độc đáo, an toàn dịch bệnh, mang lại lợi ích “kép” vô cùng hiệu quả…
    11/06/2020
    Zalo
    Hotline