TS. Nguyễn Thị Xuân Hồng - Khoa Thủy Sản - Trường Đại Học Nông Lâm Huế
Với nhiều ưu điểm như khả năng đề kháng cao đối với tác nhân gây bệnh là virut như virut đốm trắng - WSSV (White Spot Syndrome Virus), virut gây hội chứng Taura - TSV (Taura Syndrome Virus) , và IHHNV (Infection Hypodermal and Hematopoietic Necrosis Virus), dễ nuôi và sinh sản nhân tạo, tôm chân trắng đã và đang trở thành một trong những đối tượng nuôi rất phổ biến hiện nay ở nhiều nước trên thế giới.
Cùng với việc gia tăng về diện tích nuôi, dịch bệnh đang là một trong những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của nghành công nghiệp nuôi tôm. Trong đó, bệnh do kí sinh trùng gây ra trên tôm nuôi ngày càng phổ biến do sự ô nhiễm của nguồn nước. Kí sinh trùng trên tôm nuôi bao gồm ngoại kí sinh trùng (kí sinh bên ngoài cơ thể) và nội kí sinh trùng (kí sinh bên trong cơ thể). Những loài ngoại kí sinh thường không gây hại cho kí chủ trừ khi chúng xuất hiện với số lượng lớn. Những loài nội kí sinh có thể gây bệnh và thường là những nhóm: Microspora, Haplospora và Gregarina. Những loài thuộc các nhóm này thường cần sự xuất hiện của các động vật khác ngoài tôm để hoàn thành chu kì sống của mình. Một số loài nguyên sinh động vật có thể tấn công trực tiếp ấu trùng yếu hoặc góp phần gây bệnh trên tôm.
I - Tác nhân
1. Nội kí sinh trùng
a) Microspora
Trong những năm gần đây, vi bào tử trùng xuất hiện ngày càng phổ biến trên tôm nuôi. Tác nhân gây bệnh được xác định là do kí sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP). Khi nhiễm vi bào tử trùng nhiều phần trên cơ thể tôm chuyển sang màu trắng đục hoặc trắng sữa. Khi tôm lớn dấu hiệu này càng rõ hơn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tuỵ đến phần giữa thân. Một số con có hiện tượng đục cơ đốt cuối cơ thể. Bệnh không gây tỷ lệ chết cao tuy nhiên vi bào tử trùng ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như gan tuỵ và buồng trứng. Tôm nhiễm vi bào tử trùng thường có khả năng đề kháng kém và khả năng chống chịu stress kém vì vậy chúng dễ dàng bị ăn thịt, chậm lớn và sống sót kém trong quá trình vận chuyển.
Vi bào tử trùng không chỉ xuất hiện trên tôm mà nó có mặt trên nhiều đối tượng khác như giáp xác, côn trùng…vì vậy việc sử sụng thức ăn tươi sống trong nuôi tôm là nguy cơ dẫn đến rủi ro lây nhiễm vi bào tử trùng sang tôm nuôi. Ngoài ra vi bào tử trùng còn có thể lây nhiễm thông qua phân của tôm nhiễm bệnh hoặc do hiện tượng ăn thịt lẫn nhau khi có tôm nhiễm vi bào tử trùng xuất hiện trong ao nuôi.
Hình 1: Vòng đời của vi bào tử trùng trên tôm
(A): tôm ăn phải bào tử vi bào tử trùng; (B): vi bào tử trùng trong ruột tôm, bào tử hình thành roi xuyên qua thành ruột và tạo thành một đơn vị nhiễm trùng và được bao lại bởi một tế bào; (C): Đơn vị nhiễm trùng đi vào nhân của tế bào, trải qua quá trình phát triển và sau đó phân chia để hình thành thể phân liệt (schizont); (D): Schizonts sau đó phân chia và phát triển thành các bào tử; (E): theo thời gian bào tử được hình thành và có mặt trong biểu mô cụ thể (cơ, biểu mô xung quanh ruột…). Các bào tử này được đưa ra khỏi cơ thể tôm khi còn sống hoặc sau khi chết (tuy nhiên cơ chế giải phóng bào tử vi bào tử trùng ra khỏi cơ thể tôm vẫn còn chưa có câu trả lời). Quá trình truyền bệnh thành công khi tôm nhiễm bệnh bị ăn bởi cá (cá hồi) và sau đó tôm ăn phải phân cá có chứa vi bào tử trùng.
EHP có thể được phát hiện thông qua các phương pháp xét nghiệm phân tử như PCR, LAMP hay kính hiển vi quang học với độ phóng đại 100X với mẫu nhuộm hoặc mẫu gan tuỵ tươi. Bào tử EHP có thể được phát hiện trong phân của tôm bố mẹ cũng như trong mẫu gan tuỵ của tôm giống và tôm nuôi thương phẩm.
b) Gregarina
Gregarines là một nhóm động vật nguyên sinh kí sinh lây lan rộng rãi trên tôm biển với tỉ lệ 10-90%. Hai chi chính được phân lập là Nematopsis và Cephalobolus, chi thứ ba chỉ được mô tả trên tôm chân trắng nuôi thương phẩm là Paraophiodine.
Gregarine xuất hiện trong ống tiêu hoá của tôm và thường được quan sát thấy nhiều nhất dưới dạng trophozoite hoặc thỉnh thoảng dưới dạng kén (gametocyst). Vòng đời của chúng liên quan đến một số loài động vật không xương sống là kí chủ trung gian như nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ốc hoặc giun biển (Hình 2).
Hình 2: Vòng đời của gregarine trên tôm
(A): Tôm ăn phải bào tử từ chất thải đáy ao; (B): Sporozoite xuất hiện trong ruột tôm, tấn công tế bào biểu mô ruột; (C): Sporozoite bám vào thành ruột và phát triển thành trophozoite, một số trophozoite không bám vào thành ruột mà bám vào nhau và hình thành hình dạng không bình thường; (D): Những bào tử không bình thường này phát triển và bám vào trực tràng để hình thành gametocysts; (E): Gametocyst trải qua nhiều lần phân chia để sản sinh bào tử “gymnospores”; (F): Gymnospores bị bao bọc bởi các tế bào bề mặt của lớp màng áo của nhuyễn thể hai mảnh vỏ; (G): Chúng sau đó phát triển để hình thành bào tử trong cơ thể của nhuyễn thể hai mảnh vỏ; (H): sau đó bào tử được giải phóng ra ngoài môi trường từ việc tiết dịch của nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Gregarina xuất hiện với số lượng ít thường không gây nguy hiểm đối với đối tượng nuôi tuy nhiên nếu như xuất hiện với số lượng lớn chúng có thể gây tổn thương niêm mạc ruột từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh tấn công. Ngoài ra, trophozoite của Gregarina kí sinh trên niêm mạc ruột làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá và làm giảm quá trình hấp thu dinh dưỡng của tôm dẫn đến hiện tượng tôm chậm lớn. Trong trường hợp nhiễm Gregarine với số lượng lớn ruột tôm chuyển sang màu vàng. Theo Lightner (1996) tôm chân trắng nhiễm Gregarine có liên quan đến hiện tượng chậm lớn và tôm chết trong ao. Gregarine được lây lan trực tiếp thông qua phân của tôm nhiễm bệnh. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ nhiễm Nematopsis penaeus trên tôm chân trắng ngày càng gia tăng và được cho là liên quan đến hiện tượng tôm chậm lớn và chết trong ao. Tôm thường nhiễm bệnh giai đoạn tôm con 1,5-1,7 cm và tôm nuôi thương phẩm 2,5-10 cm. Kết quả nghiên cứu gần đây của Emma và cộng sự đã cho thấy bằng việc trộn thức ăn với Natri monensin, ElancobanTM hoặc sulfachloropyrazine, Avimix-STTM có thể loại bỏ 92% -94% gamatocysts của giun tròn Nematopsis từ ruột của tôm chân trắng mà không gây chết tôm.
2. Ngoại kí sinh trùng
Kết quả nghiên cứu của Hafidloh và cộng sự (2019) trên tôm chân trắng cho thấy tác nhân gây bệnh chủ yếu do nhóm ngoại kí sinh trùng Cilliata bao gồm Zoothamnium sp., Vorticella sp., và Epistylis sp.
Hình 3: Sự kí sinh của ngoại kí sinh trùng trên tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) (x400);
(A): sự kí sinh của Zoothamnium sp. trên chân bơi
(B): sự kí sinh của Vorticella sp. trên bề mặt cơ thể
(C): sự kí sinh của Epistylis sp. trên chân bò
Sự có mặt của ngoại kí sinh trùng trong ao nuôi phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau như điều kiện hoá lý của môi trường nước. Thông thường, môi trường nước nuôi giàu dinh dưỡng là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của ngoại kí sinh trùng, chúng dinh dưỡng bằng cách lọc chất dinh dưỡng hoặc vi sinh vật từ môi trường nước. Chính vì vây, cho ăn quá nhiều dẫn đến việc dư thừa thức ăn trong ao nuôi làm tăng tải lượng chất hữu cơ trong ao nuôi và thúc đẩy sự phát triển của kí sinh trùng trong ao nuôi. Ngoài ra, chất lượng môi trường nước không ổn định và thường xuyên thay đổi, đặc biệt là nhiệt độ sẽ là điều kiện tối ưu cho sự sinh trưởng của kí sinh trùng. Zoothamnium sp. thường kí sinh trên bề mặt của mang, có thể tăng nhanh về số lượng khi nhiệt độ môi trường nước trên 30oC. Sự xuất hiện với số lượng lớn của zoothamnium có thể gây cản trở hoạt động hô hấp của tôm. Đối với tôm giống, sự xuất hiện quá mức của zoothamnium làm tôm bơi không bình thường, hiện tượng này chỉ được cải thiện khi lớp biểu bì bị bong ra.
Một số loài nguyên sinh động vật có giai đoạn nghỉ, chúng bám trên bề mặt tôm. Khi tôm lột xác, chúng được tách rời và hoàn thành vòng đời trong lớp biểu mô đã rụng trước khi bước vào một giai đoạn nghỉ trên một kí chủ (giáp xác) mới.
Vorticella sp có thể sống trong môi trường nước ngọt, mặn và lợ, chúng thường xuất hiện trong điều kiện môi trường nước gây stress cho tôm như sự biến động thường xuyên của chất lượng môi trường nước, nhiệt độ và lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi cao.
II - Điều kiện gây bệnh
Nhiễm kí sinh trùng trên tôm thường xuất hiện ở tất cả các giai đoạn của tôm từ tôm ấu trùng đến tôm trưởng thành, nhiệt độ nước cao, thời tiết nắng nóng, mật độ nuôi cao, thức ăn dư thừa trong ao nhiều, sự tích luỹ của chất hữu cơ trong ao cao, chất lượng môi trường nước kém, sự có mặt của vật chủ trung gian trong ao nuôi… là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của kí sinh trùng.
III - Biểu hiện và dấu hiệu nhận biết
Tôm nhiễm kí sinh trùng với số lượng ít thường không gây hại nhưng khi nhiễm kí sinh trùng với số lượng lớn tôm thường có hiện tượng bơi chậm chạp, tấp bờ nhiều. Một số loài kí sinh trùng khi kí sinh thường gây hiện tượng đục cơ ở lưng hay đốt cuối cơ thể (EHP), mất phụ bộ, chậm lớn (EHP), tôm nhiễm Haplosporidian thường làm cho gan tôm teo lại, cơ thể nhợt nhạt, tôm chậm lớn…Phân tôm có màu trắng đục, xuất hiện thành từng dãi nổi trên mặt nước hay trong sàn ăn (hội chứng phân trắng), tôm giảm ăn, vỏ óp, mềm, tôm chậm lớn, đường ruột tôm thường bị đứt quãng hay rỗng, tôm có màu sậm bất thường, ruột tôm có màu trắng (white intestine) hay chuyển vàng…là những biểu hiện điển hình khi tôm nhiễm Vermiform và Gregarine.
IV - Tác hại
Tôm nhiễm nội kí sinh trùng với mật độ cao thường gây cản trở hoạt động tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng làm tôm chậm lớn, giảm ăn, tỷ lệ sống giảm. Một số loài kí sinh trùng gây tổn thương tế bào niêm mạc ruột khi kí sinh từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh thứ cấp.
Hình 4: Một số dấu hiệu khi tôm nhiễm Vermiform
(A): Dải phân trắng nổi trên mặt nước; (B): Ruột tôm chuyển sang màu trắng; (C): Sự xuất hiện của Vermiform trong gan tuỵ tôm
Ngoại kí sinh trùng khi kí sinh nhiều trên mang gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của tôm, gây ra hiện tượng thiếu oxy. Tôm nhiễm kí sinh trùng với mật độ cao sẽ chết nhiều nếu oxy hoà tan trong ao nuôi thấp. Ngoài ra, kí sinh trùng kí sinh nhiều trên bề mặt vỏ tôm gây ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm.
V - Phòng bệnh
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp khi nuôi tôm: cải tạo ao đúng quy trình, chất lượng giống thả nuôi, quản lý tốt thức ăn trong quá trình nuôi, xử lý nước trước khi nuôi và quản lý tốt chất lượng nước trong quá trình nuôi, tránh sự thay đổi đột ngột của các yếu tố môi trường nước, hạn chế sự có mặt của kí chủ trung gian…cũng như sử dụng các sản phẩm nâng cao sức khoẻ của tôm nuôi là những biện pháp được khuyến cáo nhằm hạn chế sự xuất hiện của kí sinh trùng trong nuôi tôm. Ngoài ra thực hành an toàn sinh học (biosecurity) trong nuôi tôm nhằm hạn chế sự xuất hiện của mầm bệnh trước khi nuôi, nâng cao sức khoẻ của đối tượng nuôi và an toàn cho người tiêu dùng cũng được được các chuyên gia khuyến cáo.
Bài viết đã được UV-Việt Nam mua tác quyền từ tác giả, bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ Công ty Cổ Phần UV