Ths. Trần Việt Tiên, Khoa Thủy sản, Đại Học Cần Thơ
-
Đốm trắng do vi-rút
Tác nhân gây bệnh
Vi-rút gây hội chứng đốm trắng (White Spot Syndrome Virus - WSSV) là giống mới Whispovirus thuộc họ mới là Nimaviridae.Vi-rút dạng hình trứng, kích thước 120 x 275 nm, có một đuôi phụ ở một đầu, kích thước 70 x 300 nm. Nhân có cấu trúc DNA dạng vòng với 2 chuỗi nucleotide và không có thể ẩn (Occlusion body), bộ gen 292.967 bp. Vi-rút có ít nhất 5 lớp protein với trọng lượng phân tử từ 15-28 kilodalton. Vỏ bao có có đường kính khoảng 120-150 nm và chiều dài 270-290 nm với 2 lớp protein VP28 và VP19, nucleocapsid có đường kính 65-70 nm, chiều dài 300-350 nm với 3 lớp VP26, VP24, VP15.
Phát hiện bệnh
Dấu hiệu bệnh lý
Triệu chứng của bệnh là tôm có rất nhiều đốm trắng kích thước 0,5-2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ nhất là ở giáp đầu ngực (Hình 1), đốt bụng thứ 5, thứ 6 và lan toàn thân. Bên cạnh đó, tôm bệnh hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao. Đôi khi tôm có dấu hiệu đỏ thân. Bệnh thường xuất hiện ở thời điểm 1-2 tháng sau khi thả nuôi, khi môi trường nuôi tôm xấu bệnh dễ xuất hiện. Khi các đốm trắng xuất hiện sau 3-10 ngày tôm chết hầu hết trong ao nuôi (100%), tỉ lệ chết cao và nhanh .
Mô bệnh học
Tôm sắp chết do vi-rút đốm trắng có biểu hiện hủy hoại các mô trung bì và ngoại bì. Nhân của tế bào bị bệnh phình to và khi nhuộm màu với H&E sẽ nhìn thấy các thể vùi (Hình 2a, b) ở trung tâm bắt màu thuốc nhuộm kiềm từ nhạt đến sẫm được bao bởi chất nhiễm sắc. Những mô biểu hiện rõ nhất là mô ở lớp dưới cutin của dạ dày, giáp đầu ngực hoặc mô mang.
Kỹ thuật PCR
PCR cho kết quả dương tính với vi-rút gây bệnh đốm trắng.
-
Đốm trắng do vi khuẩn
Tác nhân gây bệnh
Vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng (Bacterial White Spot Syndrome - BWSS) một số nghiên cứu cho rằng có liên quan đến một số loài thuộc họ Bacillaceae.
Phát hiện bệnh
Dấu hiệu bệnh lý
Trong giai đoạn đầu nhiễm khuẩn tôm vẫn còn hoạt động ăn mồi và lột vỏ, lúc đó có thể mất đi các đốm trắng. Tuy nhiên quá trình lột vỏ bị chậm lại, chậm lớn và chết rải rác đối với tôm bị nhiễm nặng nhưng không có hiện tượng tôm chết hàng loạt, hầu hết tôm bị đóng rong, mang bị bẩn. Tôm bệnh có các đốm trắng mờ đục nhìn thấy trên vỏ khắp cơ thể (Hình 3). Hiện tượng ăn mòn làm lớp vỏ thoái hóa và mất màu sắc. Đốm trắng hình tròn, nhỏ và ít hơn đốm trắng do vi-rút (WSSV). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y với viền kiểu gờ khía tròn ở giữa rỗng, trong khi đó đốm trắng do vi-rút có đốm đen (melanin) ở giữa. Các đốm trắng thường chỉ ở phía ngoài lớp biểu bì và tổ chức liên kết. Nhìn chung tôm có ăn chậm hơn nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Trong trường hợp này nên kiểm tra ở mức độ mô học và kiểm tra bằng kỹ thuật PCR.
Mô bệnh học
Kết quả mô học cho thấy chỉ có tổn thương lớp cutin, không phát hiện thể vùi nội nhân đặc trưng ở nội bì và trung bì.
Kỹ thuật PCR
PCR cho kết quả âm tính với vi-rút gây bệnh đốm trắng.
-
Đốm trắng do môi trường
Tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng nhưng vẫn khoẻ mạnh, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn hoạt động và ăn đều ở mức bình thường, chu kỳ lột xác dài hơn bình thường và tôm sinh trưởng hơi chậm thì nguyên nhân bị đốm trắng là do môi trường chứ không phải là do vi-rút hay vi khuẩn. Khi độ cứng (Ca2+ và Mg2+) của nước cao, tôm sẽ hấp thu quá nhiều Ca2+ và Mg2+ làm xuất hiện trên vỏ những đốm trắng. Để khắc phục hiện tượng này có thể thay nước để làm giảm độ cứng, tránh bón vôi quá liều, cho tôm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với biện pháp kích thích lột xác. Sau khi lột xác thì đốm trắng sẽ mất đi.
Bài viết đã được UV-Việt Nam mua tác quyền từ tác giả. Bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ UV-Việt Nam.