Vấn Đề Chuẩn Bị Ao Trong Ương Nuôi Cá

logo
EN

Vấn Đề Chuẩn Bị Ao Trong Ương Nuôi Cá
Ngày đăng: 02/03/2021 5978 Lượt xem

    - TS. Nguyễn Văn Triều - Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ -

          Trong ương nuôi cá, ngoài những vấn đề như chất lượng cá giống, thức ăn, chăm sóc… người nuôi cá cũng cần chú trọng việc chuẩn bị ao. Chuẩn bị ao tốt sẽ tạo được một môi trường nước có chất lượng tốt, ổn định và hạn chế bớt mầm bệnh cho cá nuôi. Đối với ao ương nuôi cá cần phải chuẩn bị trước khi thả cá theo các bước sau: 

    1.  DỌN SẠCH CỎ VÀ CÂY LỚN XUNG QUANH AO 

          Việc này quan trọng đối với những ao ương cá con. Vì ao ương cần đầy đủ ánh sáng mặt trời, tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật thủy sinh quang hợp giúp ổn định môi trường và tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá. Ao nuôi cá thoáng, không có cây lớn che xung quanh thì việc khuếch tán oxy từ không khí vào nước được dễ dàng hơn, hạn chế bớt tình trạng thiếu oxy cho cá nuôi. Ngoài ra, dọn sạch cây cỏ xung quanh bờ ao cũng góp phần hạn chế sinh vật địch hại gây hại cho cá con.

    2.  BƠM CẠN NƯỚC VÀ VÉT BÙN ĐÁY AO

          Đối với những ao đã được ương nuôi ở vụ trước thì vật chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa, chất thải của cá và phù sa được tích tụ ở đáy ao. Vì vậy, việc bơm cạn nước và vét bùn đáy ao là rất cần thiết để nhằm giảm bớt sự ô nhiễm và mầm bệnh tích tụ ở đáy ao. Thông thường ở ao nuôi cá người ta thường dọn đáy ao bằng cách sử dụng máy hút bùn đối với các ao lớn hoặc vét bùn bằng phương pháp thủ công đối với các ao có diện tích nhỏ. 

    3.  BÓN VÔI VÀ DIỆT TẠP

          Sau khi bơm cạn nước và vét bùn, đáy ao cần được bón vôi nhằm tạo điều kiện để các chất hữu cơ được phân hủy, cải tạo phèn và ổn định pH. Sau một vụ nuôi, vật chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao bị phân hủy yếm khí sinh ra nhiều axít hữu cơ làm cho pH của đất đáy ao bị giảm thấp do các ion H+ bị hấp thụ trên bề mặt keo đất. pH thấp sẽ làm ức chế sự phát triển của vi sinh vật phân hủy, pH tăng sau khi bón vôi sẽ kích thích vi sinh vật phát triển và khoáng hóa nhanh các chất hữu cơ còn lại ở đáy ao. Đối với những ao nuôi trên vùng đất nhiễm phèn các cation axít (Al3+ và Fe3+) cũng bị hấp thụ trên bề mặt keo đất gây pH thấp, trường hợp này cũng cần bón vôi để cải tạo nền đáy. Vôi được sử dụng để bón cho ao nuôi cá thường là vôi sống (CaO) hoặc đá vôi nghiền (CaCO3). Tốt nhất nên dùng vôi sống khi chuẩn bị ao vì vôi này có hoạt tính trung hòa cao và diệt mầm bệnh tốt hơn những loại vôi khác. Vôi được rải đều ở đáy ao và cả bờ ao, cần tập trung bón nhiều vôi ở những bãi cho ăn hoặc những nơi đáy ao còn đọng nước. Liều lượng vôi bón khi chuẩn bị ao như sau:

          Sau khi bón vôi, đáy ao cần được phơi từ 2-3 ngày để các phản ứng hóa học được xảy ra dễ dàng và nhanh hơn. Phản ứng hóa học của vôi khi được bón vào ao như sau: 

          Nhờ sự thay thế của cation Ca2+ trên bề mặt hạt keo nên độ pH của đáy ao tăng lên đáng kể (có thể lớn hơn 12). Ở pH cao (pH>12), toàn bộ mầm bệnh và sinh vật địch hại trong lớp bùn đáy ao bị tiêu diệt. Như vậy, bón vôi vừa có tác dụng cải tạo phèn, vừa có tác dụng diệt tạp và mầm bệnh trong ao. Ngoài ra, các xác hữu cơ bị phân hủy nhanh (sau khi pH giảm dần và ổn định sau 2-3 ngày) sẽ là nguồn phân hữu cơ tốt cho sự phát triển các vi sinh vật có lợi cho ao cá về sau.
    Đối với các ao không thể bơm cạn nước thì có thể sử dụng dây thuốc cá (1-2 kg/100 m3) hoặc saponin (0,2-0,3 kg/100 m3) để diệt tạp trong quá trình chuẩn bị ao nuôi cá, tốt nhất nên sử dụng vào lúc trời nắng nóng sẽ tăng tác dụng của hóa chất.

    4.  CẤP NƯỚC VÀO AO VÀ GÂY NUÔI THỨC ĂN TỰ NHIÊN

          Cấp nước vào ao qua túi lọc mịn để ngăn không cho trứng, ấu trùng và con non của các động vật gây hại theo nước vào ao nuôi. Các sinh vật này có thể là vật chủ trung gian lây truyền mầm bệnh cho cá nuôi, cạnh tranh thức ăn hoặc chúng có thể tấn công và ăn cả cá nuôi. Khâu lọc nước vào ao cần đặc biệt chú ý đối với những ao ương từ cá bột lên cá giống. Vì cá bột có khả năng tự vệ, thích ứng với điều kiện môi trường và sức đề kháng rất kém. 
          Việc gây màu nước nhằm làm ổn định điều kiện môi trường nước ao nuôi, ngăn chặn sự phát triển của tảo đáy, tảo độc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài sinh vật làm thức ăn tự nhiên nhằm cung cấp một phần nguồn dinh dưỡng cho cá (đặc biệt là đối với ao ương từ cá bột lên cá giống). Thông thường người nuôi sử dụng phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ dùng trong sản xuất nông nghiệp (NPK) hoặc các loại phân bón gây màu nước chuyên dùng cho thủy sản. Phân hữu cơ được dùng phổ biến trong ương nuôi cá là thức ăn công nghiệp với hàm lượng protein cao hoặc bột cá, bột đậu nành. Việc bón phân hữu cơ gây màu nước có thể được thực hiện đồng thời với việc bón vôi trong quá trình chuẩn bị ao, riêng đối với phân vô cơ thì được bón sau khi đã cấp nước vào ao. Liều lượng phân hữu cơ bón gây màu là 0,3-0,4 kg/100 m2 kết hợp với phân vô cơ là 0,2-0,3 kg/100 m2. Nước sau khi được cấp vào ao và bón phân gây màu khoảng 2-3 ngày là có thể thả cá để ương nuôi.
    Bài viết đã được UV-Việt Nam mua tác quyền từ tác giả. Bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ UV-Việt Nam.
    --------------------------------------------------------------------------------------------------

    Chia sẻ:
    Tin liên quan
    Một số bệnh kí sinh trùng thường gặp trên tôm nuôi

    Một số bệnh kí sinh trùng thường gặp trên tôm nuôi

    - TS. Nguyễn Thị Xuân Hồng - Khoa Thủy Sản - Trường Đại Học Nông Lâm Huế -
    09/12/2021
    Kiểm Soát Vi Khuẩn Trong Ao Nuôi Bằng Biện Pháp Sinh Học

    Kiểm Soát Vi Khuẩn Trong Ao Nuôi Bằng Biện Pháp Sinh Học

    -PGS.TS Phạm Thị Tuyết Ngân, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ -
    21/09/2021
    Ứng dụng đông trùng hạ thảo trong nuôi trồng thủy sản

    Ứng dụng đông trùng hạ thảo trong nuôi trồng thủy sản

    -Phòng Nghiên Cứu & Phát Triển RD Công Ty Cổ Phần UV-
    13/07/2021
    Công nghệ đông khô trong sản xuất các chủng PROBIOTIC

    Công nghệ đông khô trong sản xuất các chủng PROBIOTIC

    - Phòng Nghiên Cứu và Phát Triển R&D Công ty Cổ Phần UV -
    06/07/2021
    Vai trò và sử dụng vitamin C trong nuôi trồng thủy sản

    Vai trò và sử dụng vitamin C trong nuôi trồng thủy sản

    PGS. TS. Trần Thị Thanh Hiền - Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ và Th.S Trần Thị Bé – Khoa Nông Nghiệp – Trường Đại học Bạc Liêu
    19/04/2021
    Ứng Dụng Chế Phẩm PSB (Photosynthetic Bacteria) Trong Nuôi Tôm

    Ứng Dụng Chế Phẩm PSB (Photosynthetic Bacteria) Trong Nuôi Tôm

    - PGS.TS Phạm Thị Tuyết Ngân - Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ -
    06/04/2021
    Một số đặc điểm của vi khuẩn quang dưỡng (VKQD) tía không lưu huỳnh và ứng dụng trong NTTS
    01/03/2021
    Vai Trò Của Axít Folic Và Ứng Dụng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

    Vai Trò Của Axít Folic Và Ứng Dụng Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

    PGS.TS. Ngô Hữu Toàn - Khoa Thủy Sản - Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
    08/01/2021
    Cây xoan và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản

    Cây xoan và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản

    PGS.TS. Kim Văn Vạn - Trưởng Bộ môn NTTS - ĐH Nông nghiệp Hà Nội
    31/12/2020
    Ứng dụng các chủng vi sinh Bacillus.sp đối kháng (antagonistic strains) kiểm soát vi khuẩn gây bệnh

    Ứng dụng các chủng vi sinh Bacillus.sp đối kháng (antagonistic strains) kiểm soát vi khuẩn gây bệnh

    PGS.TS. Phạm Thị Tuyết Ngân - Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ
    11/12/2020
    Zalo
    Hotline